category category News

Từ ngày 7-8/5/2018 tại thành phố Putrajaya – Malaysia, IOC WESTPAC đã tổ chức Hội thảo lần thứ nhất của WESTPAC về nước trồi trên Biển Đông và các vùng biển lân cận. Hội thảo đã tập chung hơn 30 nhà khoa học biển đến từ các nước trong khu vực quanh Biển Đông, các nước Nhật Bản, Nga, Anh và Chương trình Khí hậu và Đại dương thuộc Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Toàn cầu (Viết tắt là CLIVAR/WCRP). Các nhà khoa học tham dự Hội thảo đã nỗ lực xây dựng mạng lưới nghiên cứu so sánh chung về các hệ thống nước trồi trên Biển Đông và các vùng biển lân cận. Đại diện Việt Nam tham dự hội thảo này PGS.TS. Bùi Hồng Long – Chủ Tịch IOC Việt Nam.

Hội thảo được sự tài trợ của Đại học Terengganu Malaysia (viết tắt là UMT) thông qua Viện Hải dương học và Môi trường Malaysia (viết tắt là INOS).

Nước trồi là một hiện tượng hải dương quan trọng, khi dòng nước lạnh, giàu dinh dưỡng di chuyển từ đáy lên tầng mặt, và lan rộng trên bề mặt đại dương khi gió thổi qua. Các khu vực nước trồi là nơi có các hệ sinh thái mang lại năng suất hiệu quả nhất trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong nghề cá trên thế giới.

Theo TS. Mohd Fadzil Mohd Akhir, Nghiên cứu viên chính của WESTPAC đã nhận định: những đặc trưng địa chất, vật lý của Biển Đông và các vùng biển lân cận đã hình thành nên các vùng nước trồi trong các mùa gió mùa khác nhau. Những nghiên cứu về các vùng nước trồi trong khu vực Biển Đông rất ít và có những vùng chưa được nghiên cứu đến. Có một số vùng đã được nghiên cứu nhưng số liệu không đầy đủ.

Trong hai ngày thảo luận các nhà khoa học đã chia sẻ các chương trình nghiên cứu về nước trồi trên thế giới, những phát hiện khoa học mới nhất về các hệ thống nước trồi ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Biển Đông. Phương pháp nghiên cứu về nước trồi dựa trên quan điểm đa ngành đã được nhấn mạnh và nhất trí, nhằm làm sáng tỏ các thông tin khoa học về các vùng nước trồi và những tác động của hiện tượng này đến sinh thái và kinh tế dựa vào việc quản lý trên cơ sở nghiên cứu sinh thái.

Hội thảo đã thông qua kế hoạch hành động. Bên cạnh việc đánh giá sâu hơn về các hệ thống nước trồi hiện tại trong khu vực và các tác động đối với kinh tế và sinh thái, các chuyên gia đã nhất trí nỗ lực trong việc thực hiện một nghiên cứu trên một số vùng thí điểm, bao gồm phía Bắc Biển Đông, vùng nước trồi Việt Nam, bờ biển phía Đông Malaysia và bờ biển phía Tây Bắc Borneo, bờ biển phía Nam của Java và bờ biển phía tây của Sumatra, bờ biển phía tây trung tâm của Vịnh Thái Lan. Đồng thời sẽ nghiên cứu thăm dò thêm một số khu vực tiềm năng khác.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã thảo luận tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cho các nhà khoa học trẻ có định hướng nghiên cứu về hiện tượng nước trồi, một số cơ hội đào tạo có thể được tích hợp vào dự án này, bao gồm các chương trình đào tạo thường xuyên của INOS về phân tích và tích hợp dữ liệu và các kỹ thuật của Indonesia về lập bản đồ ngư trường.