category category News

Phiên họp Lần thứ 30 của Hội đồng IOC/UNESCO đã diễn ra tại trụ sở UNESCO Paris, Cộng hòa Pháp từ ngày 26/06/2019 đến ngày 04/07/2019. Tham gia Phiên họp có 100/150 đoàn đại biểu các nước và các tổ chức thuộc IOC/UNESCO.

IOC Assembly 30th 26 June

Phiên khai mạc toàn thể ngày 26/6/2019, ảnh IOC/UNESCO

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp có: PGS. TS. Bùi Hồng Long - Chủ tịch Ủy Ban IOC Việt Nam (trưởng đoàn); Ông Cung Đức Hân - đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; Ông Nguyễn Tuấn Khanh và bà Trần Thị Hoàng Mai đại diện phái đoàn UNESCO tại Paris; Bà Lê Yên Dung - Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa Học và Công Nghệ; Bà Nguyễn Giang Thu - Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Đỗ Tiến Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ tài Nguyên và Môi trường.

Doan Viet Nam tham du hoi nghi

Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp

Phiên họp thảo luận, nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của IOC trong việc kết nối các cộng đồng khoa học biển của các quốc gia, các cơ quan hoạch định chính sách của Chính phủ các nước, mở rộng hơn bao gồm cả toàn bộ khu vực tư nhân và dân sự, để tạo ra môi trường khoa học biển và quản lý đại dương tích hợp góp phần phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững. IOC sẽ đóng góp nhiều giải pháp vào Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) và lập kế hoạch cho Chương trình Thập kỷ Khoa học Đại dương vì Sự Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc (2021-2030). Các tổ chức IOC sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cách tiếp cận các vấn đề liên quan đến đại dương, đặc biệt là trước các thách thức toàn cầu về các vấn đề biển và đại dương hiện nay. Phiên họp cũng nhấn mạnh rằng Thập kỷ Khoa học Đại dương sẽ mang đến một cơ hội đặc biệt góp phần thúc đẩy lợi ích xã hội thể hiện trong tất cả các chương trình IOC thông qua cách tiếp cận đổi mới để tạo ra các nguồn thông tin khoa học biển hỗ trợ, phục vụ các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ các nước. Đẩy mạnh hợp tác, đánh giá ảnh hưởng và xây dựng các định hướng tương lai trong cộng đồng IOC sẽ hỗ trợ việc thực hiện Chương trình Thập kỷ Khoa học Đại dương vì Sự Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc (2021-2030); Xây dựng năng lực khoa học công nghệ biển trong cộng đồng IOC thông qua “Chương trình Phát triển Năng lực IOC - IOC Capacity Development”, và trong khu vực Thái Bình Dương mạng lưới “Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học biển khu vực - Regional network of Training and Research Centres (RTRCs) on Marine science” đã triển khai chiến lược giai đoạn 2015-2021.

Ngoài ra còn có các thảo luận hợp tác giữa tổ chức Khí Tượng Toàn Cầu (WMO) thuộc Liên Hợp Quốc và IOC, thông qua dự án hợp tác WMO-IOC; Chiến lược và quản lý dữ liệu của Hệ thống Quan trắc Toàn cầu (GOOS) - chiến lược đến năm 2030 trong khuôn khổ hợp tác GOOS- JCOMM, trong chương trình hợp tác này nghị quyết về việc quan trắc khí tượng biển, bao gồm cả các khu vực trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZs) trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các điều khoản của UNCLOS.

Các diễn đàn và sự kiện bên lề Phiên họp cũng được tổ chức để đại diện các quốc gia và khu vực, các nhà nhà khoa học biển trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác quốc tế.

Ủy Ban IOC/UNESCO kêu gọi các quốc gia, các tổ chức IOC khu vực lên kế hoạch chuẩn bị hướng đến kỷ niệm 60 Năm Thành lập IOC/UNESCO.

Đoàn Việt Nam tham gia tích cực vào các phiên thảo luận, đóng góp ý kiến bằng văn bản cho các định hướng phát triển kinh tế biển bền vững, đặc biệt trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tham gia vào các diễn đàn và sự kiện bên lề Phiên họp như: Khoa học đóng góp cho kinh tế biển và chính sách; Vai trò của phụ nữ trong lộ trình thực hiện Thập kỷ Khoa học Biển vì Sự phát triền bền vững (2021-2030); Vai trò và đóng góp của Mạng lưới Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Khu vực thuộc IOC/UNESCO đối với khoa học biển; Phương pháp tiếp cận hệ sinh thái biển lớn để đạt được SDG 14 và hỗ trợ tiến trình Thâp kỷ Khoa học biển; Tri thức về khoa học biển: Những cơ hội và thách thức; Dự án Nippon - GEBCO 2030: Xây dựng hợp tác quốc tế trong lập bản đồ đáy đại dương đến năm 2030.

IOC WESTPAC event 27 June 2019 a

Đoàn Việt Nam tham gia sự kiện giới thiệu “Mạng lưới Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khu vực WESTPAC (RTRCs)
– Sự kiện do PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn chủ trì

Ngoài các hoạt động chung của đoàn Việt Nam, PGS. TS. Võ Sĩ Tuấn còn tham dự họp Đại Hội đồng với tư cách là Chủ tịch Tiểu ban Hải dương Học Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC). Theo chương trình, PGS. TS. Võ Sĩ Tuấn đã trình bày báo cáo của IOC/WESTPAC trong 2 năm qua và trao đổi tại Hội nghị về hợp tác khoa học biển trong và ngoài khu vực. Đồng thời, đã chủ trì sự kiện bên lề của Tiểu ban IOC/WESTPAC giới thiệu và thảo luận về “Phát triển mạng lưới Trung tâm đào tạo và Nghiên cứu khu vực (RTRCs) ở Thái Bình Dương và Tây Thái bình Dương – Các cam kết và quyết định trong khuôn khổ Thập kỷ Khoa học Biển hướng đến phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030” vào ngày 27/06/2019. Tại hội nghị này PGS. TS. Võ Sĩ Tuấn có bài phát biểu về sáng kiến thành lập các trung tâm đào tạo về khoa học công nghệ biển trong khu vực Tây Thái Bình dương; và đại diện Việt Nam giới thiệu Trung Tâm đào tạo về Độc tố biển và An toàn thực phẩm biển (do Viện Hải Dương Học/Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam đề xuất, đã được TS. Rubinhin - Tổng thư ký IOC ký xác nhận trong ý định thư tại cuộc họp của IOC WESTPAC tại Manila vào tháng 4/2019). Tham dự sự kiện này còn có bà Trần Thị Hoàng Mai Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam tại Paris.

(Hải Yến tổng hợp tin)