category category News

Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC/UNESCO) đã bầu Tiến sĩ Yutaka Michida, trường ĐH Tokyo, Nhật Bản làm Chủ tịch IOC/UNESCO nhiệm kỳ hai năm 2023-2025.

Mr Michida

Tiến sĩ Yutaka Michida, tân Chủ tịch IOC/UNESCO

Cuộc bầu cử diễn ra tại phiên họp Đại hội đồng IOC/UNESCO lần thứ 32, được tổ chức tại trụ sở UNESCO Paris vào thứ tư, ngày 28/6/2023. Ban Bầu cử gồm các đại biểu từ 29 quốc gia thành viên của IOC đại diện cho 5 nhóm bầu cử từ 5 khu vực. Ban bầu cử đã xem xét đánh giá kỹ các ứng viên cho vị trí Chủ tịch và 5 Phó Chủ tịch của IOC và tổ chức bầu cử với sự tham dự của 150 quốc gia thành viên IOC.

Phát biểu khi nhận vị trí Chủ tịch, Tiến sĩ Michida bày tỏ lòng biết ơn đối với sự tin tưởng dành cho ông và cam kết sẽ làm việc không mệt mỏi để đạt được các mục tiêu của IOC “Được bầu vào vị trí Chủ tịch IOC trong nhiệm kỳ 2 năm tới là vinh dự lớn của tôi. Chúng ta hiện đang trong quá trình thực hiện Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của LHQ. Tôi sẽ tận lực đảm nhận trách nhiệm thúc đẩy Thập kỷ và các hoạt động có liên quan của Ủy ban, cũng như các hoạt động chức năng cốt lõi của IOC bao gồm các vấn đề mới nổi liên quan đến đại dương, trên tinh thần “Một hành tinh, Một đại dương” và với sự tham gia đầy đủ của tất cả các quốc gia thành viên”.

Là công dân Nhật Bản đầu tiên giữ chức Chủ tịch IOC/UNESCO, Tiến sĩ Yutaka Michida là giáo sư nổi tiếng tại Đại học Tokyo, ông đã tham gia tích cực trong lĩnh vực hải dương học trong suốt 40 năm qua. Ông được ghi nhận vì những thành tích và đóng góp nổi bật cho hợp tác quốc tế trong khoa học biển, bao gồm Giải thưởng “Thúc đẩy quốc gia biển Nhật Bản” của Thủ tướng Nhật Bản và Giải thưởng “Nhà khoa học xuất sắc” của IOC/WESTPAC năm 2015.


Tiến sĩ Michida có vai trò quan trọng trong việc phát triển các hệ thống cảnh báo và bảo vệ chống lại sóng thần, và đã góp phần thiết lập hệ thống điều phối ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Năm 2015, ông được bầu làm đồng chủ tịch của Trung tâm Trao đổi Thông tin và Dữ liệu Hải dương học quốc tế (IODE) thuộc IOC/UNESCO và là người đầu tiên từ một quốc gia châu Á giữ vị trí này. Tiến sĩ Michida đã dốc sức thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia ở Tây Thái Bình Dương và các khu vực lân cận, có ảnh hưởng lớn trong quản lý dữ liệu và thông tin đại dương ở Nhật Bản, thông qua việc tham gia tích cực vào Tiểu ban IOC/UNESCO khu vực Tây Thái Bình Dương và lân cận (WESTPAC). Tại Nhật Bản, ông có vai trò quan trọng trong việc thành lập Cơ quan Khai thác Thông tin biển (MICH) và Cơ quan Địa chính biển.


Ngoài Tiến sĩ Michida là Chủ tịch, Đại Hội đồng IOC/UNESCO cũng đã bầu năm Phó Chủ tịch của Ủy ban gồm:

- TS. Marie-Alexandrine Sicre (Pháp) – Nhóm bầu cử số 1
- TS. Nikolay Valchev (Bulgary) - Nhóm bầu cử số 2
- TS. Juan Camilo Forero Hauzeur (Colombia) - Nhóm bầu cử số 3
- TS. Srinivasa Kumar Tummala (Ấn Độ) - Nhóm bầu cử số 4
- TS. Amr Zakaria Hamouda (Ai Cập) - Nhóm bầu cử số 5

Tiến sĩ Vladimir Ryabinin, Tổng thư ký điều hành IOC/UNESCO, thay mặt Ban thư ký IOC nhiệt liệt chúc mừng Tiến sĩ Michida “Chúng tôi mong đợi sự lãnh đạo và điều phối của Tiến sĩ Michida và các Phó Chủ tịch trong việc tập hợp các chính phủ và cộng đồng khoa học biển trên con đường hướng tới đại dương mà chúng ta cần cho tương lai mà chúng ta mong muốn.”

Ngoài việc bầu Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, IOC/UNESCO cũng đã bầu Hội đồng thường trực nhiệm kỳ 2023-2025, gồm các quốc gia thành viên sau:
- Nhóm 1: Canada, Pháp, Đức, Iceland, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ
- Nhóm 2: Bulgary, Romany, Ukraine
- Nhóm 3: Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Ecuador, Grenada, Panama, Peru
- Nhóm 4: Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Đảo Cook, Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Hàn Quốc, Thái Lan
- Nhóm 5: Congo, Ai Cập, Kenya, Gabon, Morocco, Oman, Saudi Arabia, Nam Phi, Togo

Mr Michida IOC

(Nguồn: IOC/UNESCO)