Ngày 28/12/2018, Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ Việt Nam (IOC Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác năm 2018 và thảo luận kế hoạch hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới.

Anh HNTK 2018

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo và đại diện các đơn vị: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hải dương học, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Địa chất và Địa vật lý biển (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Ủy ban Biên giới Quốc gia (thuộc Bộ Ngoại giao).

Trong năm 2018, nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Chủ tịch và lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban IOC Việt Nam đã có những hoạt động tích cực trong khoa học công nghệ biển Việt Nam, và những đóng góp cho hoạt động nghiên cứu biển ở khu vực Tây Thái bình dương về bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo vệ sức khỏe đại dương nhằm mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển trong khuôn khổ nhiệm vụ SDG14; Góp phần đảm bảo hòa bình và chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Điểm lại các hoạt động khoa học và công nghệ trong năm 2018 do các đơn vị trong mạng lưới IOC Việt Nam triển khai, thực hiện:

- Tiếp tục phát báo số liệu đo mực nước biển tại 2 trạm Quy Nhơn và Vũng Tàu do Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia quản lý vận hành trong Hệ thống trạm đo mực nước toàn cầu (GLOSS).

- Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần do Viện Vật lý Địa cầu, là đơn vị đầu mối tham gia vào hệ thống cảnh báo và giảm nhẹ rủi ro sóng thần ở Biển Đông của IOC/UNESCO (ICG/PTWS-WG/SCS).

- Trong năm 2018, Viện Vật lý Địa cầu phối hợp với Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC/UNESCO) tổ chức Phiên họp lần thứ 7 của Nhóm làm việc khu vực ICG/PTWS về Hệ thống cảnh báo và giảm thiểu rủi ro sóng thần ở Biển Đông (ICG/PTWS-WG/SCS-VII), tại Hà Nội, 6-8/3/2018.

- Viện Hải dương học tiếp tục chủ trì dự án của IOC/WESTPAC “Sinh vật biển độc hại và an toàn thực phẩm biển”. Dự án đã phối hợp với Viện Hải dương học tổ chức Khóa tập huấn quốc tế “Áp dụng phương pháp phân tích hóa học để xác định độc tố Ciguatoxins (CTXs) trong cá rạn”, Nha Trang, 05 - 09/04/2018.

- Viện Hải dương học tiếp tục triển khai Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu một số quá trình tương tác Biển – Khí quyển – Lục địa và biến động môi trường ở Biển Đông với bối cảnh biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Chương trình IOC-WESTPAC” (10/2017 – 3/2021). Đề tài đã hoàn thành chuyến khảo sát tổng hợp mùa gió Tây Nam 2018, trong đó có mặt cắt ra Trường Sa, đoàn khảo sát bị lọt vào vùng xoáy của Biển Đông. Trong điều kiện gió Tây Nam thường xuyên cấp 5-7, giật cấp 8, đoàn khảo sát vẫn bám biển, thu thập đủ số lượng mẫu. Xuất bản 01 bài báo quốc tế.

- Công tác đào tạo nâng cao năng lực đạt kết quả tốt, hàng chục nhà khoa học trẻ Việt Nam đã tham gia các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo quốc tế, và trực tiếp tham gia vào các chương trình, mạng lưới hoạt động của của IOC/WESTPAC về các vấn đề nghiên cứu mới như axit hóa đại dương, ô nhiễm vi nhựa trong môi trường biển, an toàn thực phẩm biển …

- PGS. TS. Võ Sĩ Tuấn – Viện trưởng Viện Hải dương học đảm nhận tích cực vai trò Chủ tịch WESTPAC, giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trong Ủy ban IOC/UNESCO và IOC/WESTPAC.

- Đã xuất bản Bản tin Số 2/2018 trên trang web của Ủy ban IOC Việt Nam http://ioc.vn/vi/

Hội nghị đã thảo luận kế hoạch hoạt động trong năm 2019:

- Ủy Ban IOC Việt Nam và các cơ quan, bộ, ngành có liên quan chủ động chuẩn bị nhân sự, báo cáo, tài liệu để tham gia cuộc họp thường niên IOC/ WESTPAC tại Philippin vào tháng 4 năm 2019, tham gia phiên họp Đại hội đồng IOC/UNESCO vào tháng 6 năm 2019 tại Paris, và chuẩn bị các báo cáo khoa học tham dự Hội nghị Khoa học Quốc tế của WESTPAC lần thứ 11 sẽ tổ chức tại Indonesia năm 2020.

- Thảo luận với IOC về việc hình thành Trung tâm dạng II về khoa học công nghệ biển với sự bảo trợ của UNESCO và thành lập Trung tâm đào tạo khu vực về an toàn thực phẩm biển tại Viện Hải dương học.

Tại Hội nghị, Ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp UNESCO Viêt Nam cho các thành viên thuộc IOC Việt Nam và các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu chuyên ngành về khoa học biển, đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của UNESCO Việt Nam.

Anh HNTK 2018a