category category Tin tức

Trong hai ngày 22 và 23 tháng 10 năm 2019 tại Nha Trang, Viện Hải dương học (VAST) phối hợp với IOC/WESTPAC và Chương trình USAID (USAID Grant programme) tổ chức hội thảo tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam về kỹ thuật sinh học phân tử và axít hóa đại dương.

Hoi Thao Axit hoa dai duong 1

Các đại biểu tham dự hội thảo (ảnh: Phan Minh Thụ)

Hội thảo tập trung vào các nội dung: kỹ thuật sinh học phân tử để xác định loài trong phân loại; giám sát tác động của hiện tượng axít hóa trong nước biển gây ảnh hưởng đến sinh vật biển và hệ sinh thái biển. Bên cạnh các bài giảng lý thuyết, các học viên còn thực hành phân tích hàm lượng carbon và dữ liệu mã vạch (metabacording) của các mẫu san hô thu được từ Hệ thống tự động giám sát rạn san hô (Autonomous Reef Monitoring Structures - ARMS) - Một công cụ giám sát các chỉ số đa dạng sinh học ở các quốc đảo trong khu vực Thái Bình Dương; Thực hành sử dụng phần mềm Panoply để phân tích các dữ liệu phục vụ cho việc dự báo đại dương.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác khu vực của IOC/WESTPAC về nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ biển giữa các quốc gia trong khu vực, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đại dương, bờ biển và tài nguyên biển. Axít hóa đại dương là vấn đề khoa học mới nổi, trong phạm vi khu vực các nhà khoa học đã nhận định vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu và trao đổi khoa học. Từ năm 2015 đến nay, IOC/WESTPAC đã tổ chức năm hội thảo và khóa tập huấn khu vực để hỗ trợ các quốc gia trong việc giám sát tác động của axit hóa đại dương đối với các rạn san hô.

Để hỗ trợ cho các hoạt động chung của khu vực, Quỹ UNESCO Hàn Quốc (UNESCO Korea Funds in Trust) đã hỗ trợ IOC/WESTPAC tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho khu vực về phương pháp phân loại các sinh vật rạn san hô bằng kỹ thuật chỉ thị DNA.

Hội thảo tập huấn “Hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực nghiên cứu về kỹ thuật sinh học phân tử và axit hóa đại dương” đã được tổ chức một cách hiệu quả với phương pháp đào tạo liên ngành, và những chia sẻ thông tin mới của các nhà khoa học trong khu vực trong việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực khoa học biển để đạt được Mục tiêu 14 của Liên Hợp Quốc.

(Nguồn tin IOC/WESTPAC)