category category Tin tức

Thuật ngữ "Nền kinh tế biển xanh"được dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên tiêu chí: Cần có sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường – tính bền vững của các đại dương và các vùng ven biển.

“Tiềm năng của nền kinh tế biển xanh” Tăng lợi ích lâu dài của việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển cho các quốc gia đang phát triển, các quốc gia đảo nhỏ và các quốc gia kém phát triển ven biển.

(Nguồn: Liên Hiệp Quốc và Ngân Hàng Thế Giới)

Trong hai ngày 24-25/11/2017, tại thành phố Nha Trang – Khánh Hòa, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ấn Độ, phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế về ASEAN và Đông Á (ERIA) đồng tổ chức Hội thảo ASEAN - Ấn Độ về "Kinh tế biển xanh”: Từ khái niệm đến hành động. Đây là sáng kiến của Việt Nam và cũng là một phần trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ.

Khái niệm nền kinh tế xanh đặc biệt phù hợp trong bối cảnh Mục tiêu 14 của Chương trình Nghị sự Liên Hiệp Quốc đến năm 2030 – SDG 14 về phát triển bền vững tập trung vào việc bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đại dương, biển và các nguồn lợi biển. Để thực hiện mục tiêu toàn cầu này cùng với việc thúc đẩy khái niệm “Nền kinh biển tế xanh”, điều quan trọng là huy động sự hợp tác rộng lớn hơn trong khu vực và quốc tế và hợp tác sáng tạo để thúc đẩy một phương pháp tiếp cận nền kinh tế biển xanh nhằm ngăn chặn xu hướng suy thoái của các vùng ven bờ và đại dương, tạo ra sinh kế và giải pháp giảm thiểu sự tác động do biến đổi khí hậu.

Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu gồm quan chức chính phủ, học giả, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp từ 10 nước ASEAN và Ấn Độ.

kinh te bien xanh

(Ảnh nguồn VTV1)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng sáng kiến “Kinh tế biển xanh” trong bối cảnh phát triển của thế giới và khu vực. Điểm lại các hoạt động hợp tác về biển trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các đại biểu cần có những đề xuất cụ thể, hướng tới xây dựng nhận thức chung trong khu vực về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển, đồng thời xây dựng các cơ chế hợp tác phù hợp, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững.

Thay mặt Chính phủ Ấn Độ, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish đề xuất thúc đẩy ASEAN và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác kinh tế bền vững dựa trên luật pháp quốc tế. Đại sứ Parvathaneni Harish gợi ý các nước tổ chức các nghiên cứu khoa học về kinh tế biển xanh, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, xem xét khả năng hợp tác về khai thác các nguồn năng lượng từ đại dương…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Duy Bắc đã có bài phát biểu tại Hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Khánh Hòa về bảo tồn môi trường biển qua bài học kinh nghiệm từ dự án Khu Bảo Tồn Biển Vịnh Nha Trang với sự tham gia của chính quyền, các nhà quản lý, nhà khoa học, và cộng đồng ngư dân trong công tác bảo tồn môi trường biển. Ông Nguyễn Duy Bắc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các chính sách hài hòa giữa phát triển kinh tế và môi trường, nhất là về khai thác, sử dụng bền vững và tái tạo môi trường.

Về phía các cơ quan khoa học thuộc chính phủ Việt Nam, có các đại biểu: PGS. TS. Bùi Hồng Long – Chủ tịch Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ Việt Nam (IOC/UNESCO); PGS. TS. Võ Sĩ Tuấn – Viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Chủ tịch Tiểu ban Hải dương học liên Chính phủ khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC) có bài tham luận “Bảo tồn nguồn tài nguyên biển trong phát triển kinh tế biển xanh tại Việt Nam”; PGS. TS. Vũ Thanh Ca – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học Công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ Việt Nam (IOC/UNESCO) có bài tham luận “Quản lý tổng hợp đới bờ dựa vào hệ thống sinh thái vì mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam”.

Hoi thao HT Viet Nam An Do VS Tuan

Tại Hội thảo, đại biểu các nước còn trao đổi, đề xuất ý kiến nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc kinh tế biển xanh trong đó có đánh giá tình hình thực tiễn các vấn đề về môi trường biển, hợp tác trong khai thác cảng biển, vận tải biển, năng lượng đại dương, và cơ chế tài chính sáng tạo trong kinh tế biển xanh. Các nước khẳng định trong bối cảnh tài nguyên biển và đại dương đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cần phải thúc đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ trong phát triển kinh tế biển xanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở cho hợp tác toàn cầu vì môi trường đại dương an toàn, bền vững và phát huy được các giá trị kinh tế biển.

kinh te bien xanh Tuan 03 resize

Sau hai ngày làm việc, Hội thảo đã đưa ra “Kế hoạch hành động” (nội dung chi tiết sẽ được công bố trên các kênh thông tin của Chính phủ) - Hợp tác ASEAN - Ấn Độ trên vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương với mục tiêu đề ra: Chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy việc bảo vệ, khôi phục và sử dụng bền vững môi trường đại dương và ven biển, giải quyết và đối phó với nguy cơ ô nhiễm đe doạ đến hệ sinh thái biển và môi trường ven biển; Tăng cường hợp tác về hàng hải, an toàn hàng hải, hệ thống cảng biển hậu cần; Hợp tác khai thác các nguồn năng lượng mới từ đại dương.

Trong khuôn khổ thảo luận “Kế hoạch hành động” tại Hội thảo, ý kiến đóng góp của PGS. TS. Võ Sĩ Tuấn về vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học biển cần quan tâm đến việc duy trì nguồn giống thủy sản (Fisheries refugia) và các kỹ thuật mới trong việc phục chồi các sinh cảnh biển đã được ghi nhận trong kế hoạch hành động.

Chiều ngày 25-11 Viện Hải dương học đón tiếp đoàn đại biểu Hội thảo đến tham quan Viện.

Cung cấp tin: Hải Yến