category category Tin tức

Nguy cơ sụt giảm lượng oxy trong đại dương:

Oxy rất quan trọng đối với sự sống trên trái đất. Oxy chiếm khoảng 21% không khí chúng ta hít thở và một nửa lượng oxy này được tạo ra bởi thực vật phù du trong đại dương. Oxy tác động đến các chu kỳ carbon, nitơ và các yếu tố quan trọng khác trong đại dương. Oxy là yếu tố cơ bản đối với đời sống sinh vật biển từ vùng ven bờ đến các vùng sâu nhất của đại dương.

Tuy nhiên, hiện tượng sụt giảm lượng oxy trong đại dương đang xấu đi ở các vùng biển ven bờ và biển mở. Đây là hậu quả do các hoạt động của con người làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu (sự nóng lên của trái đất do CO2) và tăng lượng chất dinh dưỡng từ nông nghiệp, nước thải và chất thải công nghiệp, bao gồm ô nhiễm từ phát điện dùng nhiên liệu hóa thạch và sinh khối.

Mạng lưới Oxy toàn cầu GO2NE:

Trong bối cảnh này, Mạng lưới Oxy Đại dương Toàn cầu (Global Ocean Oxygen - Network GO2NE) được thành lập bởi Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ UNESCO vào năm 2016, với sự tham gia của 21 tổ chức đến từ 11 quốc gia. Mạng lưới GO2NE cam kết cung cấp những thông tin toàn cầu về vấn đề sụt giảm oxy trong đại dương; tập trung nghiên cứu vấn đề này ở nhiều khía cạnh và những tác động của nó đối với trái đất; cung cấp tư vấn khoa học cho các nhà hoạch định chính sách để có các định hướng và chính sách môi trường nhằm giảm các tác động môi trường gây ra hiện tượng sụt giảm oxy trong môi trường biển, bảo tồn tài nguyên biển.

Mục tiêu hoạt động khoa học của GO2NE là tiếp cận cộng đồng và nỗ lực xây dựng năng lực mạng lưới, bao gồm tăng cường trao đổi thông tin khoa học với các nhóm làm việc khác (như IOCCP, GOOS, IGMETS, GOA-ON, GlobalHAB, WESTPAC O2NE) nhằm cải thiện hệ thống quan trắc, nghiên cứu trao đổi các thông tin liên quan đến vấn đề sụt giảm oxy trong đại dương.

GO2NE Oxygen network

Trong khuôn khổ của Mạng lưới GO2NE, Tiểu ban Hải dương học Tây Thái Bình dương (The IOC Sub-Commission for the Western Pacific - WESTPAC) cũng đã thành lập Nhóm làm việc WESTPAC O2NE giai đoạn 2017-2019.

Kế hoạch hành động

Các kế hoạch hành động của Mạng lưới GO2NE đã được đề ra cho những năm sắp tới nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin về tác động hiện tại và tương lai của nguy cơ suy giảm nồng độ oxy trong đại dương đối với sinh vật biển, hệ sinh thái, chu kỳ sinh hóa trong biển và sức khỏe con người.

Mạng lưới GO2NE cam kết nghiên cứu, nâng cao sự hiểu biết và hỗ trợ khoa học cơ bản về các tác động của ô nhiễm chất dinh dưỡng làm gia tăng nguy cơ sụt giảm oxy. Đây chính là cam kết trong khuôn khổ thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững 14 của Liên Hợp Quốc, (SDG 14.1), cụ thể là hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu phát triển ngành thủy sản bền vững (SDG 14.7). Nghiên cứu sâu về hiện tượng sụt giảm oxy trong nước biển có liên quan đến các yếu tố gây ra hiện tượng tảo nở hoa, axit hóa đại dương, nhiệt độ trái đất tăng, sự suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái (SDG 14.3).

GO2NE Working group 2017

Cam kết tự nguyện này nhằm mục đích nâng cao kiến thức khoa học, phát triển năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ biển, có tính đến các tiêu chuẩn và hướng dẫn của Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ về chuyển giao công nghệ biển (SDG 14.a).

Cam kết này nhằm hỗ trợ sức khỏe đại dương và tăng cường sự đóng góp của đa dạng sinh học biển cho sự phát triển sử dụng bền vững tài nguyên biển. Các nhà khoa học biển đã đánh giá hơn 500 hệ sinh thái ven biển trên thế giới được xác định đang bị đe dọa bởi tình trạng thiếu oxy ,và hơn 2% (77 tỷ tấn) lượng oxy toàn cầu đã bị giảm so với năm 1960.

10 mối quan tâm của Mạng lưới GO2NE về lượng oxy đại dương toàn cầu:

1. Tăng nhiệt độ sẽ làm giảm khả năng của đại dương về giữ lượng oxy trong tương lai;
2. Thiếu ôxy được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn ở các cửa sông, vùng ven biển và các vùng biển sâu có lượng oxy rất thấp;
3. Năng lực sản xuất oxy của đại dương sẽ giảm trong tương lai;
4. Mất môi trường sống dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với các loài sinh vật biển, dẫn đến di cư dọc và ngang của các loài sinh vật biến;
5. Thiếu oxy sẽ làm thay đổi chu kỳ sinh học và mạng lưới thức ăn trong đại dương;
6. Nồng độ oxy thấp hơn được dự báo sẽ làm giảm khả năng sinh sản và làm mất tính đa dạng sinh học;
7. Sự sụt giảm oxy trong đại dương sẽ ãnh hưởng đến sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản;
8. Sự bùng phát các loài tảo gây hại trong đại dương do sự hấp thu các chất dinh dưỡng được giải phóng ở các vùng nước đáy bị thiếu oxy (ví dụ trường hợp ở Biển Baltic);
9. Giảm nồng độ oxy trong đại dương sẽ dẫn đến sự gia tăng khí thải nhà kính, từ đó bắt đầu gây ra các hiện tượng biến đổi khí hậu;
10. Các kịch bản tương lai về ôxy liên quan đến các vấn đề biến đổi môi trường toàn cầu, sử dụng đất, bao gồm sự nóng lên của trái đất, dân số ngày càng tăng, phát triển nông nghiệp ven biển ở quy mô lớn đã tác động đến các hệ sinh thái biển.

GO2NE Oxy image

Các thông tin về nguy cơ sụt giảm oxy trong đại dương truy cập tại trang Web: https://www.ocean-oxygen.org/ 

Năm 2018, nhóm chuyên gia trên thế giới, nhóm chuyên gia của IOC, Mạng lưới GO2NE đã xuất bản một ấn phẩm có tiêu đề “Đại dương đang mất đi hơi thở: Sự suy giảm ôxy trong đại dương và các vùng biển ven bờ ” (The Ocean is Losing its Breath: Declining Oxygen in the World’s Ocean and Coastal Waters) như một cuốn cẩm nang dành cho các nhà hoạch định chính sách.

Cuốn sách đã trinh bày một cách tóm tắt những thí nghiệm khoa học, kết quả quan trắc và những mô hình số trị để trả lời những câu hỏi sau: Lượng oxy trong biển khơi và các vùng biển ven bờ đã thay đổi trong thế kỷ qua và thông qua thời kỳ địa chất như thế nào? Oxy suy giảm theo cơ chế nào? Lượng oxy trong đại dương dự đoán sẽ thay đổi ra sao trong thời gian còn lại của thế kỷ 21? Hàm lượng oxy thấp và sự suy giản oxy sẽ gây ra hậu quả gì cho môi trường biển?

Bia Sach

Độc giả quan tâm có thể tham khảo toàn văn cuốn sách tại đây
http://unesdoc.unesco.org/images/0026/002651/265196e.pdf 

(Nguồn IOC/UNESCO)