Ngày 12 tháng 3 năm 2025, tại Phiên họp Liên chính phủ Lần thứ XV của Tiểu ban IOC Tây Thái Bình Dương (IOC Westpac) ở Tokyo - Nhật Bản, các quốc gia thành viên ở khu vực đã thông qua Khung quy hoạch không gian biển (Marine Spatial Planning – Khung MSP). Đây là một bước tiến lớn trong quản lý bền vững các đại dương, tạo bước đột phá mới trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo ở các quốc gia trong khu vực, đồng thời đánh dấu một điểm quan trọng trong nỗ lực hợp tác của khu vực về việc cân bằng phát triển kinh tế với việc bảo vệ sức khỏe các hệ sinh thái biển.
Tây Thái Bình Dương là một trong những khu vực đông dân và năng động về phát triển kinh tế trên thế giới, dẫn đến việc các hệ sinh thái biển ở khu vực này đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng gia tăng. Do sự phát triển nhanh chóng ở các vùng ven biển, các mâu thuẫn cạnh tranh về không gian biển đã dẫn đến nguy cơ mất môi trường sống của sinh vật biển, suy giảm đa dạng sinh học biển. Khung MSP cung cấp cách tiếp cận chiến lược, dựa trên cơ sở khoa học để thiết lập việc sử dụng không gian biển hợp lý hơn giữa các bên sử dụng, đảm bảo sự cân bằng bền vững giữa bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế.
Khung MSP khu vực mới được thông qua đã phản ánh cam kết chung giữa các quốc gia trong khu vực nhằm thúc đẩy quy hoạch không gian biển như một công cụ hoặc quy trình chính để thúc đẩy nền kinh tế xanh bền vững và thực hiện các cam kết liên quan đến đại dương ở từng quốc gia và quốc tế. Khung phác thảo các kế hoạch hành động hỗ trợ mà Tiểu ban IOC Westpac, các quốc gia thành viên trong khu vực và các đối tác quốc tế cùng thực hiện. Khung ưu tiên bốn lĩnh vực hành động chính: Hợp tác và cộng tác; Hỗ trợ kiến thức và phát triển năng lực; Thu hút và nâng cao nhận thức của các bên liên quan; Trình diễn và thực hành tốt.
Khung quy hoạch không gian biển khu vực Tây Thái Bình Dương
Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) đã đi đầu trong Quy hoạch không gian biển kể từ năm 2006. IOC đã tổ chức các hội thảo quốc tế, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật và chia sẻ các thông tin hoạt độngn các sáng kiến xây dựng năng lực quy hoạch không gian biển trên toàn thế giới.
Năm 2018, IOC hợp tác với Tổng cục Hàng hải và Thủy sản thuộc Ủy ban Châu Âu để ra mắt Khung MSPglobal, đây là sáng kiến toàn cầu nhằm phát triển và triển khai các hướng dẫn quốc tế về Quy hoạch Không gian Biển. Một số quốc gia ở Tây Thái Bình Dương - bao gồm Trung Quốc, Indonesia và Hàn Quốc - nằm trong số những quốc gia đầu tiên áp dụng Quy hoạch không gian biển hoặc Phân vùng chức năng biển. Tuy nhiên, với các hoạt động của con người ngày càng tăng và nhu cầu sử dụng tài nguyên biển cũng ngày càng gia tăng, do đó việc đẩy nhanh Khung MSP trên toàn khu vực đã trở nên cấp thiết hơn.
Từ năm 2022, Tiểu ban IOC Westpac đã phát động Chương trình Hành động Thập kỷ Đại dương của Liên hợp quốc - UN 21 với định hướng đẩy nhanh tiến trình quy hoạch không gia biển bằng cách tăng cường hợp tác quốc tế, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chính sách, phát triển các công cụ phù hợp, xây dựng năng lực nghiên cứu và quản lý hiệu quả nhằm giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Kể từ khi thành lập, đã có hơn 500 cơ quan tổ chức - bao gồm các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia khoa học biển, nhà quy hoạch, các cơ quan quản lý tại địa phương từ hơn 20 quốc gia và tổ chức quốc tế - đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng Khung hành động quy hoạch không gian biển trong khu vực. Với việc thông qua Khung hành động quy hoạch không gian biển, Khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ có bước đi quyết định, hướng tới việc tăng cường quản lý biển, bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo sinh kế bền vững và phát triển nền kinh tế xanh.
(Nguồn IOC Westpac)